Vạn Phúc bảo vệ thương hiệu lụa trong thời hội nhập

English English  Japanese Japanese

Vạn Phúc bảo vệ thương hiệu lụa trong thời hội nhập

Share |

(VOV) - Gìn giữ phát triển thương hiệu làng nghề trong bối cảnh kinh tế hội nhập là bài toán khó của các làng nghề truyền thống.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, cạnh tranh thị trường với hàng nước ngoài vừa là cơ hội cũng là thách thức đối với hàng hóa trong nước, đặc biệt là việc bảo vệ thương hiệu của các làng nghề. Đây cũng là vấn đề mà ban quản lý làng nghề và nhân dân làng Lụa Vạn Phúc (Hà Đông-Hà Nội) hiện nay quan tâm.

Tìm hiểu về việc bảo vệ thương hiệu chất lượng sản phẩm làng nghề truyền thống trong thời kì kinh tế hội nhập quốc tế, phóng viên VOV online đã có buổi làm việc với ông Phạm Khắc Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc.

PV: Thưa ông, có thông tin cho rằng trên các sạp lụa của Vạn Phúc hiện nay có rất nhiều lụa Trung Quốc và đang lấn át lụa Vạn Phúc?

Ông Phạm Khắc Hà: Điều đó là không sai. Việc buôn bán phải đa dạng hóa sản phẩm, những mặt hàng nào có lợi nhất thì người ta sẽ kinh doanh. Xuất hiện lụa Trung Quốc cũng là điều bình thường, phục vụ thị hiếu của khách hàng.

 

 

PV: Có ý kiến cho rằng hiện nay không còn lụa Vạn Phúc truyền thống được bán nữa mà toàn là lụa Trung Quốc, ông thấy ý kiến này như thế nào?

Ông Phạm Khắc Hà: Ý kiến này là không đúng, sở dĩ có ý kiến như vậy là do chính khách hàng không nhận biết được đâu là lụa Vạn Phúc, đâu là lụa Trung Quốc. Việc bày bán lụa Trung Quốc và lụa của các địa phương khác là có nhưng vẫn có khu riêng trong các cửa hàng bán lụa Vạn Phúc. Nếu khách hàng không phải là người trong nghề và giỏi về lụa sẽ khó phân biệt được lụa Vạn Phúc. Bản thân chúng tôi là người trong nghề, nhìn có thể nhận biết được ngay. Để giúp khách hàng có thể phân biệt được lụa Vạn Phúc trên sạp, Hiệp hội làng nghề hướng dẫn các chủ kinh doanh về việc bày bán lụa Vạn Phúc riêng và giới thiệu về lụa cho khách hàng.

PV: Theo ông, hiện nay lụa Vạn Phúc đang bị lụa Trung Quốc “lấn sân”, chén ép, điều này có làm ảnh hưởng tới chất lượng lụa Vạn Phúc sẽ chạy theo thị trường, mất đi chất lượng truyền thống hay không?

Ông Phạm Khắc Hà: Trong buôn bán thì cạnh tranh là điều tất yếu. Lụa Trung Quốc có cạnh tranh trên thị trường, có sự lấn át sức tiêu thụ của lụa Vạn Phúc, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến chất lượng lụa truyền thống. Dù việc dệt hiện nay có sự tham gia của máy móc kĩ thuật nhưng các chất liệu tơ tằm trong dệt lụa vẫn được đảm bảo về chất lượng, các loại hoa văn truyền thống vẫn được lưu giữ. Lụa Vạn Phúc thay đổi phục vụ thị hiếu của khách hàng, chất lượng lụa phù hợp với giá trị đồng tiền mà khách hàng bỏ ra. Với những khách hàng hiểu về lụa và có điều kiện dùng lụa tốt thì vẫn có những sản phẩm tốt hơn.

PV: Trong những năm gần đây, có ý kiến nói lụa Vạn Phúc đang bị mai một và số người làm lụa cũng không còn nhiều, sản lượng lụa cũng giảm xuống. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến điều này?

Ông Phạm Khắc Hà: Trong mấy năm gần đây, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài, không chỉ lụa Vạn Phúc mà rất nhiều ngành nghề khác cũng gặp khó khăn. Năm nay, sản lượng sản phẩm lụa bị giảm xuống bằng 50% so với các năm trước. Còn về người làm lụa, ở Vạn Phúc không phải gia đình nào cũng làm lụa mà chỉ khoảng 2/3 cư dân làm lụa truyền thống, họ vẫn duy trì nghề, số còn lại chỉ làm theo thời vụ, khi lụa tiêu thụ tốt họ mới sản xuất.

 

 

PV: Đứng trước những ảnh hưởng đến thương hiệu làng nghề, hiệp hội làng nghề cùng với chính quyền địa phương có phương án gì để có thể vừa duy trì làng nghề truyền thông, vừa bảo đảm được đời sống của người làm nghề nơi đây?

Ông Phạm Khắc Hà: Hiệp hội làng nghề và chính quyền địa phương luôn cố gắng để duy trì được nghề truyền thống và đảm bảo đời sống cho bà con. Hiện nay chúng tôi có mở các lớp đào tạo nghề cho thế hệ trẻ để duy trì nghề truyền thống. Tiến tới chúng tôi dự định sẽ thêu các hoa văn trên sản phẩm theo kiểu hoa văn truyền thống và tên thương hiệu lụa Vạn Phúc. Ngoài những hoa văn truyền thống trên sản phẩm lụa Vạn Phúc còn nhận làm những hoa văn, họa tiết theo yêu cầu của khách hàng. Đối với những chủ kinh doanh, hiệp hội cũng mở những cuộc họp hướng dẫn phổ biến về việc giúp đỡ khách hàng chọn đúng lụa Vạn Phúc và bày bán lụa thành một khu riêng trong cửa hàng.

PV: Hiệp hội có nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ thương hiệu truyền thống hay không, thưa ông?

Ông Phạm Khắc Hà: Bảo vệ thương hiệu truyền thống mà vẫn đảm bảo được đời sống của bà con trong tình hình hiện nay, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng hiệp hội cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng. Chính quyền địa phương giúp đỡ việc xây dựng địa điểm, thành lập hiệp hội. Ngoài ra, hiệp hội cũng nhận được sự giúp đỡ lớn của Sở Công thương và Phòng kinh tế quận Hà Đông trong việc hỗ trợ, mở lớp đào tạo và giúp đỡ cho nhân dân vay vốn để sản xuất.

Theo tôi, bảo vệ và phát triển làng nghề cổ là giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi cả xã hội chung tay gìn giữ những giá trị đó và truyền lại cho các thế hệ sau này.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

CTV Dương Yến/VOV online

 
LÊN ĐẦU
TRANG