Độc đáo nghề xe lanh dệt vải của người Mông ở Đồng Văn

English English  Japanese Japanese

Độc đáo nghề xe lanh dệt vải của người Mông ở Đồng Văn

Share |

Người Mông sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) vẫn tự hào rằng, họ có hai nghề truyền thống khiến cộng đồng các tộc người sinh sống ở Tây Bắc phải nể phục là nghề xe lanh dệt vải và nghề rèn độc đáo.

Nếu như nghề rèn chỉ dành cho đàn ông thì nghề xe lanh dệt vải dành cho phụ nữ và họ đã tạo nên một nét văn hóa thổ cẩm rực rỡ sắc màu giữa ngút ngàn đá xám ngắt của vùng cao nguyên cằn cỗi.

Ông Thào Mý Giàng ở xã Tà Lũng huyện Đồng Văn kể rằng, xưa kia tộc người Mông hay du canh du cư. Khi đi tìm một vùng đất mới thì người phụ nữ Mông bao giờ cũng mang trong người hai hạt giống là hạt ngô và hạt cây lanh. Khi tìm được đất để dựng bản, đàn ông Mông đắp bể làm lò rèn để rèn dao, cuốc, cày; còn phụ nữ thì tìm đất trong đá để gieo hạt lanh, trỉa hạt ngô.

Hạt ngô nuôi sống người Mông bằng các món như mèn mén, ngô đồ; còn hạt cây lanh sẽ cho sợi lanh để họ dệt nên như chiếc váy thổ cẩm để làm đồ mặc.

 

 

Phương pháp đạp lanh như thế này sẽ giúp cho sợi lanh trở nên mềm mại hơn khi dệt thành vải (Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam)

 

Những cây lanh được đưa vào vòng quay để xe sợi.

 

Trong khi dệt vải những sợi lanh bị tơi sẽ được cắt đi tránh cho việc vải bị sờn.

 

Người Mông tự chế tạo công cụ bằng gỗ để xe lanh.

 

Phụ nữ Mông dệt vải lanh bằng khung dệt do họ tự tạo ra.

 

Thiếu nữ Mông rất thạo nghề xe lanh, dệt thổ cẩm.

 

Sáp ong được đun nóng ở nhiệt độ khoảng 500C sẽ được vẽ lên vải lanh mới được dệt.

 

Những tấm vải lanh sau khi được dệt sẽ được vẽ thủ công bằng tay.

 

Nghề xe lanh, dệt vải của người Mông được truyền từ đời này sang đời khác.

 

Chiếc váy của thiếu nữ Mông làm bằng vải lanh do chính họ làm.


Có lẽ công đoạn làm nên hồn cốt của thổ cẩm tộc người Mông là cách vẽ sáp ong lên vải lanh. Người Mông có kỹ thuật trang trí bằng cách vẽ sáp ong trên vải lanh để lấy họa tiết. Hầu hết các họa tiết được thêu, vẽ, chắp vải trên nền vải lanh trắng hoặc vải đỏ, có định hình sẵn là các bộ phận của áo, váy. Sau khi hoàn thiện trang trí từng bộ phận riêng lẻ, người ta mới may ráp, hoàn chỉnh váy, áo...

Chẳng vì thế mà khi lên cao nguyên đá Đồng Văn vào các bản Lùng Tám, Phố Cáo, Sủng Là… ta cũng dễ bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Mông trong lúc nông nhàn dạy con cái cách xe lanh với tiếng lách cách của khung cửi dệt vải rộn vang cả bản.

Với người phụ nữ Mông, cách xe lanh dệt vải, dùng sáp ong trang trí hoa văn như ăn vào tâm thức được truyền đời, nên khi người con gái biết yêu, biết đi chợ tình thì họ cũng đã thành thạo nghề xe lanh dệt vải. Cái nghề bình dị này đã đi vào ca dao của tộc người này với ý nghĩa như một lời đánh giá phẩm chất của người phụ nữ: “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Gái xinh chưa biết cầm kim là hư…”

 

 

Hai phụ nữ Mông tranh thủ cuốn sợ lanh trên đường đến chợ.

 

Đến Hà Giang du khách sẽ dễ dàng mua được những tấm vải lanh được bày bán ở chợ.

 

Sản phẩm vải lanh của người Mông ở Hà Giang.

 

Du khách nước ngoài thích thú khám phá nghề xe lanh, dệt vải truyền thống của người Mông.


Những công đoạn làm nên loại thổ cẩm đầy sắc màu của người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn giờ đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc đầy sức cuốn hút đối với mỗi du khách khi đến khám phá làng dệt thổ cẩm truyền thống Lùng Tám ở huyện Quản Bạ.

Không những thế, người Mông ở Đồng Văn đã mang nghề xe lanh dệt thổ cẩm của mình đi đến các kỳ Festival ở Huế, các ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Hà Nội) để trưng bày, giới thiệu gây nhiều sự ngạc nhiên, thích thú cho du khách./.

 
LÊN ĐẦU
TRANG